4 ngôi làng này bao gồm: làng cổ Hoàng Lĩnh ở tỉnh Giang Tây, làng Hạ Giang ở tỉnh Chiết Giang, làng Zhagana ở tỉnh Cam Túc và làng Chu Gia Loan ở tỉnh Thiểm Tây.
Làng cổ Hoàng Lĩnh, Giang Tây
Hoàng Lĩnh là một ngôi làng cổ ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc. Trên những mái nhà cổ xây dựng trên sườn đồi ngập tràn hạt tiêu, thóc, đậu xanh đang được phơi khô dưới nắng thu. Sản phẩm sấy khô đã trở thành một cảnh tượng độc đáo ở Hoàng Lĩnh.
Ngôi làng này được thành lập cách đây hơn 580 năm, trong có hơn 100 tòa nhà từ triều đại nhà Minh (1368 - 1644) và nhà Thanh (1644 - 1911), là những đối tượng có giá trị để nghiên cứu về kiến trúc Trung Quốc cổ đại với mái ngói đen và tường trắng.
Tuy nhiên, mặc dù có phong cảnh đẹp như tranh vẽ và những tòa nhà cổ kính, ngôi làng từng ít được biết đến và rất nghèo nên nhiều người dân phải rời làng đi kiếm sống ở nơi khác. Bước ngoặt đến cách đây hơn 10 năm, khi làng thành lập công ty du lịch để phát triển kinh tế. Công ty đã đầu tư 12 triệu nhân dân tệ (khoảng 40 tỉ đồng) để xây dựng nhà mới cho dân làng sống dọc đường cao tốc dưới chân những ngọn núi xung quanh làng.
Những ngôi nhà đổ nát đã được tân trang lại cùng thửa ruộng bậc thang trên sườn núi được trồng hoa cải dầu tạo nên một khung cảnh đặc biệt. Làng đã tung ra các sản phẩm du lịch mới như bơi sông, tắm suối nước nóng, du lịch về đêm để thu hút khách du lịch. Dân làng tái định cư quay về làng làm việc ở khu danh lam thắng cảnh hoặc tự mở cửa hàng ở đó. Nhờ phát triển du lịch, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong làng hiện nay đã gấp hơn 10 lần so với cách đây một thập kỷ.
Làng Chu Gia Loan, Thiểm Tây
Tương tự như làng Hoàng Lĩnh là Chu Gia Loan, một ngôi làng nép mình trong dãy núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây. Từng là một ngôi làng nghèo khó, tuy nhiên trong những năm gần đây, nơi đây đã khai thác được thế mạnh về hệ sinh thái để phát triển kinh tế du lịch. Ngôi làng nằm cạnh công viên rừng quốc gia Ngưu Bối Lương, nơi có tỷ lệ rừng che phủ là 93%.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi với việc khoan đường hầm cao tốc xuyên qua dãy núi Tần Lĩnh vào năm 2007. Giao thông thuận tiện đã giúp du khách dễ dàng tham quan làng. Nhận thấy lượng khách du lịch ngày càng tăng, Zeng, một người dân của ngôi làng (đã tìm được việc làm ở thành thị sau khi tốt nghiệp đại học) đã quay trở lại làng để mở nhà trọ. Ngày nay, nhà trọ của anh đã mở rộng từ ngôi nhà 1 tầng trước đây thành tòa nhà 3 tầng với 20 phòng.
Ý kiến ()