Tất cả chuyên mục

6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì mức tăng trưởng GRDP ấn tượng 11,03%, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Đằng sau kết quả đó là sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân và đặc biệt là nỗ lực thích ứng, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ; 536 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên gần 11.500 đơn vị. Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp chế biến chế tạo, logistics, năng lượng tái tạo, công nghệ số và dịch vụ chất lượng cao.
Để có được kết quả khả quan này, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh duy trì nghiêm túc, đồng bộ. Các cơ quan chuyên môn từ tỉnh tới cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tỉnh phải tập trung thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chuyển từ 3 cấp sang 2 cấp, nhưng lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương vẫn dành tối đa thời gian đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, thuế quan… đã được chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển thị trường”.
Sự đồng hành ấy thể hiện rõ nét qua các chính sách hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, số hóa quy trình cấp phép, triển khai chính quyền số. Đặc biệt, việc thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo cảm hứng mới cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Hoạt động khởi sắc của các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là điểm sáng đáng chú ý. Đầu tháng 5/2025, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tổ chức chương trình xúc tiến thương mại năm 2025, với 38 bản ký kết hợp tác được thực hiện, tập trung vào sử dụng chéo sản phẩm, chia sẻ chi phí marketing và mở rộng tệp khách hàng. Những liên kết thực chất này đang góp phần hình thành một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nơi các doanh nghiệp cùng nhau phát triển.
Anh Bùi Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Agrico, chia sẻ: “6 tháng đầu năm, doanh nghiệp của tôi hoạt động ổn định, các dự án được đẩy nhanh tiến độ. Với sự hỗ trợ tích cực từ các hiệp hội doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã có cơ hội mở rộng thị trường. Tôi tin rằng khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào vận hành hiệu quả, môi trường kinh doanh sẽ còn thông thoáng hơn nữa để doanh nghiệp phát triển”.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp gắn liền với bức tranh khởi sắc chung của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,07%; riêng ngành chế biến, chế tạo tăng gần 30%. Một số lĩnh vực tăng trưởng vượt trội như sản xuất xe có động cơ (tăng 262%), sản phẩm điện tử, máy tính (tăng 80%), phương tiện vận tải khác (tăng 118%). Thương mại - dịch vụ tiếp tục bứt phá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1%; doanh thu du lịch đạt trên 29.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 51.400 tỷ đồng, tăng 11%; trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm gần một nửa. Đáng chú ý, Quảng Ninh thu hút gần 300 triệu USD vốn FDI với 12 dự án cấp mới và 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn - minh chứng rõ nét cho niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường ổn định, minh bạch và tiềm năng của tỉnh.
Xác định “lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 14% trở lên.
Ý kiến ()