Ngày 7/12/1972, lần đầu tiên hình ảnh toàn bộ Trái Đất được tái hiện qua bức ảnh mang tên "Viên bi xanh". Bức ảnh chụp bởi phi hành đoàn Apollo 17 khi họ bay vào không gian trong nhiệm vụ có người lái cuối cùng đến Mặt Trăng. Bức ảnh này đã thay đổi cách con người nhìn nhận Trái Đất, theo BBC.
Bức ảnh "Viên bi xanh" đầu tiên được phi hành đoàn chụp bằng máy ảnh cầm tay Hasselblad 500 EL với phim Kodak 70mm, từ khoảng cách 29.000 km, khi Mặt Trời chiếu sáng toàn địa cầu từ phía sau tàu Apollo 17. Hình ảnh cho thấy Trái Đất từ vùng biển Địa Trung Hải đến chỏm băng ở Nam Cực với nhiều đám mây lớn che phủ Nam bán cầu. Gần như toàn bộ đường bờ biển châu Phi có thể nhìn thấy rõ trong ảnh.
Vào ngày 7/12/2022, tròn 50 năm kể từ khi bức ảnh gốc ra đời, một bức ảnh "Viên bi xanh" mới đã được ghi lại bởi vệ tinh ở khoảng cách hàng triệu kilomet. Hình ảnh được chụp bởi máy ảnh Earth Polychromatic Imaging Camera (Epic) của NASA, có thể ghi hình từ 13 đến 22 lần mỗi ngày. Lần này, một bộ 12 bức ảnh được chụp cách nhau 15 phút, hé lộ những thay đổi rõ rệt trên bề mặt Trái Đất sau 50 năm ấm lên toàn cầu.
Khác biệt nổi bật nhất giữa hai bức ảnh sau 50 năm là sự giảm kích thước của dải băng Nam Cực. Sa mạc Sahara mở rộng, rừng nhiệt đới "thu hẹp" về phía nam. Nghiên cứu cho thấy mật độ cây che phủ tại khu vực Sahel giáp với sa mạc Sahara đang suy giảm đáng kể. Điều nổi trội có thể thấy trong bức ảnh mới là nạn chặt phá rừng và cây cối biến mất khi bề mặt Trái Đất chuyển từ màu xanh lá sang sa mạc hóa.
Một thay đổi khác nữa là hoạt động của con người trên bề mặt hành tinh. Dù không thể nhìn thấy trong những bức ảnh ban ngày của Trái Đất, các vệ tinh khác theo dõi ánh đèn xuất hiện vào ban đêm cho thấy sự mở rộng đô thị trên các lục địa cùng với hoạt động vận chuyển trên đại dương. Cháy rừng cũng lan rộng vào ban đêm với tần suất tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 năm qua.
Ý kiến ()