Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh hiện có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động. Với số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm như vậy, có thể nói chưa tương xứng nhu cầu giết mổ và tiêu dùng thịt hằng ngày của người dân. Điều đáng nói là không ít cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa thực sự đảm bảo quy trình giết mổ an toàn.
Nguy cơ có từ trong cơ sở giết mổ tập trung…
Không khó để nhận ra khu vực giết mổ gia súc, gia cầm Hà Khánh (phường Cao Xanh) bởi mùi hôi đặc trưng ở đây. Là nơi giết mổ lợn để cung ứng cho nhiều chợ trên địa bàn các phường, mỗi sáng sớm và buổi trưa hằng ngày, khu giết mổ này có nhiều tiểu thương đưa lợn sống vào và mang lợn đã giết mổ ra. Không rộng rãi thoáng mát, không sàn kê cao thoáng, không gian giết mổ của Hà Khánh ướt át ứ đọng. Những tiểu thương mang lợn vào đây giết mổ mặc dù cố gắng thao tác nhanh tay, dùng nhiều nước để dội sạch, tuy nhiên như vậy cũng là chưa đủ đảm bảo các điều kiện an toàn cần thiết.
Tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Thiên Trường (thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường) phường Hà Tu, điều kiện giết mổ còn thiếu thốn hơn. Ngày 24/5 vừa qua, cơ sở này đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra và quyết định tạm dừng các hoạt động giết mổ gia súc. Theo biên bản của đơn vị chức năng cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, lợn giết mổ để dưới sàn gạch; công nhân giết mổ không mang bảo hộ lao động (khẩu trang, găng tay, ủng riêng biệt); trước và sau khi giết mổ lợn chưa được kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; không có hệ thống ngăn chất thải rắn, nước rửa lợn chảy tràn ra ngoài, bốc mùi khó chịu; công tác khử trùng tiêu độc tại cổng ra vào không được thực hiện... Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường cũng chưa xuất trình được sổ theo dõi, ghi chép lợn nhập vào, kết quả kiểm tra lợn trước khi giết mổ và số lợn sau giết mổ được kiểm soát thú y; chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch lợn giết mổ đối với lợn nhập từ tỉnh ngoài vào.
Nói về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Thiên Trường, bà Chu Thị Thu Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Thiên Trường thiếu nhiều điều kiện giết mổ theo quy định. Chi cục với vai trò đơn vị quản lý nhà nước đã hướng dẫn, nhắc nhở nhiều lần, lập biên bản, xử phạt để răn đe, tuy nhiên Thiên Trường chậm triển khai. Quyết liệt đảm bảo ATTP, đặc biệt là ATTP trong các lò giết mổ, vừa qua Chi cục đã phối hợp kiên quyết thực hiện đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài 2 cơ sở nói trên, Quảng Ninh còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động, trong đó cơ sở Thái Hoà (phường Quang Hanh), Vang Thanh Dương (phường Uông Bí), Đức Hà (phường Vàng Danh) đang hoạt động tương đối hiệu quả với công suất hoạt động 100-150 con lợn/ngày đêm, cơ sở hạ tầng, thiết bị và quy trình giết mổ khá đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn VSATTP đề ra. Riêng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Hồng Thái Tây (phường Hoàng Quế) vốn là một trong những cơ sở được đầu tư về mặt bằng, thiết bị giết mổ tương đối hiện đại, tuy nhiên hiện gần như không hoạt động, nguyên nhân do sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương trong buộc các tiểu thương mang lợn vào giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
… đến các điểm giết mổ nhỏ lẻ ngoài chợ
Theo quy định, không được phép thực hiện các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ, tuy nhiên thực tế là việc giết mổ gia cầm (gà, vịt) tại đây vẫn diễn ra. Tại chợ 3 trên địa bàn phường Móng Cái 1, khu vực bán gà, vịt, chim nằm gần cuối chợ, được lắp đặt hệ thống sàn cao, được xây dựng hệ thống thoát nước thải, tuy nhiên vẫn không tránh được mùi hôi. Để thuận lợi cho khách mua hàng, các tiểu thương thực hiện giết mổ gà, vịt luôn tại chỗ. Các thiết bị giết mổ như nồi nước nóng, nơi làm lông, làm lòng, tráng rửa không mỹ quan và thực sự sạch sẽ.
Chị Hoàng Thị Uyên, tiểu thương bán gà tại chợ Móng Cái 3, cho biết: Chúng tôi bán gà, vịt sống, nhưng khách thì ngại mua gà, vịt sống về làm lắm, đa số chúng tôi đều giết mổ sạch sẽ rồi giao cho khách về chỉ việc vệ sinh lại rồi chế biến, nấu thành món ăn. Mỗi ngày các chị em ở đây cũng bán được vài chục đến trăm con gà, vịt.
Tại chợ Cột (phường Đông Triều), đây là một chợ lớn, cung ứng nhiều sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Các tiểu thương buôn bán gà, vịt ở đây cũng thực hiện giết mổ ngay tại chợ, trong khi quy trình giết mổ là thủ công, hệ thống thoát nước thải, chất thải chưa được đầu tư phù hợp, gây mùi hôi và phát sinh côn trùng, nhất là vào những ngày thời tiết oi nóng. Với thực trạng này thì chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy hoạt động giết mổ gia cẩm tại chợ là chưa đảm bảo VSATTP.
Thực tế các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nói chung, bao gồm giết mổ trong các cơ sở giết mổ tập trung đến các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong dân, ngoài chợ đều đang phát sinh những bất cập. Trong khi những cơ sở đầu tư thiết bị, hạ tầng hiện đại thì chưa thu hút được người đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ, những cơ sở chưa đảm bảo điều kiện giết mổ an toàn vẫn hoạt động, kể cả những cơ sở giết mổ tự phát vẫn tồn tại. Điều này cho thấy rất cần thiết phải lập lại trật tự trong công tác đảm bảo VSATTP trong hoạt động giết mổ. Hơn hết hệ thống chính quyền cấp cơ sở phải vào cuộc, đưa hoạt động giết mổ vào nền nếp, đúng quy định. Các đơn vị chuyên môn của tỉnh cũng cần tham mưu cơ chế khuyến khích xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại, đáp ứng số lượng 23 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cập trung tính đến năm 2030, theo quy hoạch đề ra.
![]() Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế: Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thịt gia súc, gia cầm bẩn ngay từ trong lò mổ. VSATTP hiện đang là vấn đề được quan tâm. Bởi nó không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành, bền vững, giá trị cao mà hơn hết là nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, gây ra sự bất ổn định trong đời sống dân cư và hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã triển khai mạnh mẽ, phối hợp chặt trong thực thi pháp luật về VSATTP, trong đó có hoạt động VSATTP trong giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, công tác này đánh giá khách quan là vẫn cần có những chấn chỉnh, thắt chặt hơn nữa, trong đó đầu tiên là kiểm soát trong khâu sản xuất gia súc, gia cầm, đầu vào của hoạt động giết mổ, tiếp đến là kiểm soát quy trình giết mổ và các khâu sau giết mổ. Riêng hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đã có những quy định rất cụ thể, các đơn vị chức năng chiếu theo để xử lý đơn vị vi phạm, kiên quyết không để những cơ sở giết mổ “chui”, không phép hoạt động, không để các cơ sở giết mổ có phép mà thiếu, yếu về cơ sở hạ tầng cũng như bỏ qua các quy định về bảo hộ trong quá trình giết mổ, để làm sao không có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bẩn ngay từ trong lò mổ. |
![]() Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&MT: Chúng tôi cần sự vào cuộc mạnh tay của chính quyền cơ sở Quảng Ninh với đặc thù vùng du lịch, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong đó có thịt các loại lớn. Trong khi sản xuất chăn nuôi tại chỗ của chúng ta nhỏ, nguồn hàng hoá phần nhiều nhập từ tỉnh ngoài vào. Để đảm bảo VSATTP, chúng tôi đã làm rất chặt khâu kiểm soát nguồn gốc lợn nhập vào tỉnh, tuy nhiên vấn đề VSATTP trong hoạt động giết mổ đúng là còn bất cập. Đó là số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thấp, hiện là 6/23 điểm trong quy hoạch, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoạt động hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân của việc này thì nhiều, như địa điểm không phù hợp, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý… quan trọng hơn là thói quen giết mổ của nhân dân vẫn là nhỏ lẻ, trong khi cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc buộc việc giết mổ phải diễn ra trong các khu giết mổ tập trung theo quy định. Đây có thể nói là nguyên nhân chính khiến cho nhiều cơ sở giết mổ tập trung đầu tư ra nhưng hoạt động không hiệu quả, lĩnh vực này cũng khó thu hút đầu tư. Về phía Sở TN&MT, chúng tôi cũng đang rà soát để đề xuất giải pháp chấp nhận một số điểm giết mổ nằm trong khoảng cách gần khu dân cư hơn so với quy định hiện nay nhưng trang thiết bị, công nghệ xử lý thải hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo môi trường và ATTP. |
![]() Ông Phạm Văn Tuyên, cán bộ Ban Quản lý chợ Móng Cái 3, phường Móng Cái 1: Về lâu về dài chúng tôi sẽ không để hoạt động giết mổ gia cầm diễn ra tại chợ Hiện khu vực ngành hàng gà tại chợ Móng Cái 3 đã được chúng tôi quy hoạch ra một khu riêng. Bà con tiểu thương cùng với bán gà sống vẫn thực hiện giết mổ gà cho khách. Việc này thực tế là Ban Quản lý chợ chúng tôi có nắm được, tuy nhiên do bà con buôn bán nhỏ lẻ, số lượng giết mổ hằng ngày không nhiều, đồng thời nhằm hỗ trợ bà con buôn bán trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nên chúng tôi cũng không nghiêm cấm triệt để. Sắp tới chúng tôi sẽ nâng cấp hạ tầng khu buôn bán gia cầm, nâng mái cao hơn để làm thoáng, xử lý nền và thoát thải tốt hơn, nhằm giảm nguy cơ mất vệ sinh và an toàn. Về lâu về dài, khi các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Móng Cái hình thành thuận lợi cho bà con thì việc giết mổ gia cầm trong chợ chúng tôi sẽ không để diễn ra nữa. |
![]() Ông Phạm Văn Dược, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách phường Vàng Danh: Địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Vàng Danh có địa hình khá dài rộng, dân cư không tập trung, điều kiện đời sống nhân dân vẫn có những khó khăn. Trên địa bàn có doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Đức Hà. Trong vai trò cán bộ cơ sở tham mưu cho chính quyền địa phương, chúng tôi nhất quán quan điểm thu hút doanh nghiệp đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Thực tế mảng đầu tư về công tác giết mổ gia súc, gia cầm rất đặc thù, giá trị đầu tư cao, quá trình đầu tư cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, tuy nhiên hiệu quả hoạt động phải tính trong lâu dài chứ không phải sớm chiều mà bù đắp được chi phí bỏ ra. Bên cạnh đó thì hiệu quả hoạt động của đơn vị phụ thuộc vào sự phối hợp, chấp hành pháp luật giết mổ gia súc, gia cầm của các tiểu thương. Nếu như chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, chắc chắn bằng cách này hay cách khác sẽ có tiểu thương không lựa chọn đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại những cơ sở giết mổ tập trung. Như vậy nhà đầu tư gặp khó khăn mà chính quyền địa phương cũng để hổng trong công tác quản lý về ATTP, việc này còn nguy cơ gây mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. |
![]() Bà Nguyễn Thị Gái, xã Ba Chẽ: Là người tiêu dùng, chúng tôi mong muốn được sử dụng sản phẩm an toàn. Thịt gia súc, gia cầm thực phẩm cần thiết hằng ngày của mỗi gia đình. Nếu như các loại thực phẩm này không an toàn thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng là rất lớn. Hiện nay các loại thực phẩm bày bán trong chợ, chúng tôi là người dân, đi chợ thì nhìn thấy đều tươi ngon và mua về để tiêu dùng. Việc trong khâu giết mổ, vận chuyển hay bảo quản sau giết mổ có an toàn, có đúng quy trình hay không thì người tiêu dùng chúng tôi nói thật là không biết được, mua là cứ mua thôi. Chúng tôi rất mong các đơn vị chức năng bằng biện pháp chuyên môn nghiệp vụ quản lý các loại thực phẩm trong đó có thịt gia súc, gia cầm cung ứng ra thị trường hằng ngày được đảm bảo VSATTP. |
Ý kiến ()