Quaise Energy, công ty công nghệ của Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) lên kế hoạch làm bốc hơi đá ở lõi Trái Đất và khai thác năng lượng địa nhiệt độ sâu lớn. Công ty cho biết họ có thể nhanh chóng sản xuất điện ở quy mô terawatt (1 terawatt bằng 1 tỷ tỷ watt) và cung cấp năng lượng không thải carbon mà chỉ chiếm diện tích đất bằng 1% so với các công nghệ năng lượng tái tạo khác, Interesting Engineering hôm 15/3 đưa tin.
Những dự án điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh khi các nước hướng tới đạt mục tiêu không thải carbon. Tuy nhiên, cả hai công nghệ này đều cần xây dựng trên quy mô lớn để cung cấp năng lượng chi phí thấp và không thải carbon. Do đất là nguồn tài nguyên hạn chế với nhiều ứng dụng khác như nông nghiệp, nhà ở, công nghiệp và duy trì độ che phủ rừng để làm mát hành tinh, dự án năng lượng tái tạo đang chuyển ra ngoài khơi, đẩy chi phí tăng lên.
Tuy nhiên, dự án năng lượng địa nhiệt có tiềm năng sản xuất lượng điện lớn trong khi sử dụng ít diện tích đất hơn. Công nghệ dựa trên khoan vào lòng đất. Mũi khoan càng sâu, nhiệt độ có thể khai thác để sản xuất điện càng cao. Dù vậy, trở ngại nằm ở khả năng khoan sâu. Hố sâu nhất mà con người từng đào trên Trái Đất là hố khoan siêu sâu Kola (12.262 m). Thành tựu này mất 20 năm để hoàn thành. Đó là một khung thời gian quá dài đối với dự án năng lượng địa nhiệt. Quaise Energy dự định khoan sâu hơn tới 20 km.
Ở độ sâu này, nhiệt độ trong lòng Trái Đất tăng lên 500 độ C. Hơi nước tạo ra ở nhiệt độ như vậy tương tự hơi nước sử dụng trong nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá hoặc khí tự nhiên hóa lỏng. Quaise Energy dự định mô phỏng phương pháp sản xuất điện bằng loại nhiệt đó và đặt tên là năng lượng địa nhiệt độ sâu lớn.
Ý kiến ()