Một loại đá chứa nhựa được phát hiện trên khắp thế giới, hình thành chủ yếu từ loại nhựa con người sản xuất và thải ra. Vật thể này là sự kết hợp giữa đá và nhựa polymer từ chất thải của con người bị nén lại với nhau. Đây là minh chứng cho mức độ ô nhiễm nhựa trên khắp thế giới. Đá nhựa có thể đe dọa tính bền vững của đại dương và sức khỏe con người, theo Newsweek.
Ví dụ đầu tiên về đá nhựa được ghi nhận ở Hawaii bởi nhà địa chất học Patricia Corcoran cách đây gần 10 năm và đặt tên là "plastiglomerate". Theo Deyi Hou, phó giáo sư môi trường ở Đại học Thanh Hoa, tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Earth-Science Reviews số tháng 12/2023, đó là nhựa nóng chảy, hạt cát, mảnh vụn đá, san hô, vỏ sò và mẩu gỗ dính vào nhau sau đám cháy ở bãi biển Kamilo, Hawaii.
Hou và cộng sự giải thích đá nhựa có thể hình thành qua hàng loạt phương pháp. Đốt là cơ chế khá phổ biến, trong đó mẩu nhựa bị nóng chảy khi đốt lửa trại hoặc đốt rác, sau đó lẫn vào khoáng chất khi nguội đi. Khi sóng biển xô vào đá ở vùng liên triều, rác thải nhựa từ nguồn ở biển cũng dính vào bề mặt đá. Một cách khác để hình thành đá nhựa là qua vụ rò rỉ dầu vốn chứa lượng lớn nhựa. Hou cho biết loại vật liệu này có thể bám chặt vào đá, cuối cùng trải qua quá trình bốc hơi một phần và rắn lại. Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết bức xạ từ ánh sáng Mặt Trời dẫn tới oxy hóa nhựa, tạo thành liên kết hóa học.
Ý kiến ()