Tất cả chuyên mục

Chiến công của Đại đội pháo cao xạ 37mm Xí nghiệp Bến Hòn Gai và câu chuyện về Đại đội trưởng Đặng Bá Hát trong trận đánh ác liệt với không quân Mỹ ngày 12/7/1972 đã đi vào trang sử hào hùng Vùng mỏ Quảng Ninh. Hơn 50 năm đã trôi qua, câu chuyện ấy vẫn luôn sống động trong ký ức của những đồng đội năm xưa cùng kề vai chiến đấu.
Một ngày cuối tháng 12/2022, những người lính Đại đội pháo cao xạ 37mm năm xưa có dịp gặp mặt, tri ân, ôn lại những năm tháng hào hùng cùng sát cánh chiến đấu bảo vệ bầu trời TX Hòn Gai cách đây 50 năm. Đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng. Dù đã là những ông lão, bà lão độ tuổi “thất thập”, trái tim họ vẫn luôn sống mãi ký ức về thời tuổi trẻ vừa sản xuất, vừa trực chiến, với một niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng chân chính trước kẻ thù xâm lược. Chúng tôi vinh dự được có mặt tại buổi gặp mặt ấy của họ, lắng nghe những người trong cuộc kể lại lịch sử, như những thước phim tái hiện trận chiến oai hùng hơn 50 năm trước.
Ngày 20/8/1960, Xí nghiệp Bến Hòn Gai được thành lập, Đội tự vệ của Xí nghiệp cũng ra đời. Đơn vị tự vệ bao gồm công nhân làm việc ở các phân xưởng, nhà máy, nhà sàng, than luyện, hỏa xa..., được huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Xí nghiệp trong mọi tình huống. Đến năm 1968, Đại đội pháo cao xạ 37mm được thành lập thuộc Xí nghiệp Bến Hòn Gai, gồm có 4 khẩu đội pháo với biên chế 44 người do Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng.
Trận địa pháo khi đó được đánh giá có vai trò quan trọng trong tác chiến phòng thủ, xây dựng thế trận phòng không nhân dân tại địa phương. Bởi ngay dưới trận địa pháo là Vịnh Hạ Long, bến phà Bãi Cháy, liền kề bến phà là cảng than với hệ thống sàng tuyển, vận tải, bốc rót... đang ngày đêm hối hả. Tiếp đó là hàng vạn dân TX Hòn Gai. Xác định trọng trách của mình, toàn thể Đại đội luôn nêu cao tinh thần chiến đấu quả cảm, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Phạm Thị Thúy không khỏi xúc động: “Tôi khi đó làm nhiệm vụ trinh sát. Đời sống lúc bấy giờ thiếu thốn trăm bề. Nơi đóng quân ở tận đồi cao, đi lại khó khăn, mà yêu cầu nhiệm vụ thì không thể rời khỏi vị trí. Có những ngày chúng tôi chỉ ăn vài miếng sắn rồi uống nước cầm hơi. Hằng ngày các anh em nam giới trong Đại đội chia nhau đi gánh nước, quãng đường cả đi và về gần 20km. Có đôi lúc khi đi lấy nước, anh em may mắn được người dân cho ít cá, ít tôm mang về kho mặn, cải thiện vài bữa ăn là mừng lắm”.
“Tôi nhớ những lúc đồng đội bị thương nặng nhưng không có bông băng, mọi người phải xé màn, xé cả quần áo để sơ cứu, cầm máu kịp thời, rồi mới có thể lấy băng ca khiêng dần xuống đồi đi cứu chữa. Có không ít những giọt nước mắt đã rơi ngay trên tuyến lửa. Nhưng tuyệt nhiên không có chỗ cho sự sợ hãi trước bom đạn, đói khát, mà chỉ có giọt nước mắt của nghĩa tình đồng đội luôn có nhau, dù là những khi đau thương nhất” - Bà Thúy kể thêm, khóe mắt rưng rưng.
Đại đội pháo cao xạ 37mm đã tham gia rất nhiều trận đánh, trong đó ác liệt nhất là trận ngày 12/7/1972. Hôm ấy giặc Mỹ mở đợt tấn công quy mô lớn vào miền Bắc. Sau vài lượt máy bay trinh sát của địch, đến khoảng 15h45, tất cả các đài quan sát đều bắt được mục tiêu: Có 16 chiếc máy bay Mỹ từ hướng đông nam theo đường Khe Cá lên bắc Bàng Danh (mỏ Hà Tu), rồi quay ngoắt lại đánh vào Nhà máy nước ngọt. Đồng thời 22 chiếc lao thẳng từ hướng đông đánh thẳng vào bến phà Bãi Cháy. Cùng lúc ấy, từ hướng đông nam thị xã, có 2 chiếc máy bay địch lao tới đánh thẳng vào trận địa. Vậy là Đại đội vừa phải đánh chi viện, vừa phải đánh trực tiếp để bảo vệ trận địa pháo. Hai chiếc A6 bổ nhào cắt 4 thùng bom xuyên vào trận địa, khói bom, đất đá mù mịt, nhà cửa đổ rầm rầm, đường ray bị lật ngửa... Đại đội trưởng Đặng Bá Hát phất cờ lệnh bắn, cả Đại đội đồng loạt nổ súng đỏ rực cả khoảng trời.
Ông Vũ Trọng Hiếu, Trưởng Ban Liên lạc của Đại đội pháo cao xạ 37mm, vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ. Ông kể: “Đại đội trưởng Đặng Bá Hát liên tục hô vang khẩu lệnh bắn. Chúng tôi cũng theo đó không ngừng dồn đạn pháo lên mục tiêu trên cao. Nhưng bọn địch xảo quyệt cho 2 máy bay từ hướng Hoành Bồ bay ra với thủ đoạn bay thấp, đánh lén. Trận địa trúng bom, 2 quả bom xuyên nổ cách anh Đặng Bá Hát không đầy 1m, nhiều mảnh bom găm vào người, thậm chí xuyên thủng bụng. Nhưng dù vậy, anh vẫn một tay giữ chặt vết thương, tay cầm chắc cờ lệnh, miệng không ngừng hô vang “Bắn... Bắn!”. Khoảng 16h40, anh Đặng Bá Hát hy sinh vì vết thương quá nặng. Cả Đại đội chỉ còn phân nửa, nhưng cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Không chút do dự, đồng chí Đại đội phó Mai Văn Ngôn lập tức vào vị trí chỉ huy tạm thời. Đến khi cả 4 khẩu pháo 37mm đều bị hỏng ngắm bắn, lính pháo thủ chúng tôi quỳ luôn xuống, tiếp tục ngắm bắn như bắn súng bộ binh...”.
Kết thúc trận đánh, Đại đội có 4 người hy sinh, 28 người bị thương. Lá cờ lệnh mà Đại đội trưởng Đặng Bá Hát cầm trong trận chiến hiện đưa về lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Đầu năm 1973, Đại đội pháo cao xạ 37mm vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng một lẵng hoa mừng chiến công. Xí nghiệp Bến Hòn Gai được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Năm 1997 trận địa pháo phòng không 37mm năm ấy đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2006 tên của Đại đội được đổi thành Đại đội Đặng Bá Hát, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai.
Ý kiến ()