Tất cả chuyên mục

Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm… đang là những cụm từ gây sự chú ý mạnh mẽ, được cộng đồng mạng, dư luận xã hội quan tâm, theo dõi, tra cứu. Bởi thời gian qua, hàng loạt những vụ việc được phanh phui, phát hiện, xử lý liên quan đến những vi phạm này, khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn. Trong đó đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên phạm vi toàn quốc. Sau một tháng thực hiện cao điểm, con số mà các lực lượng chức năng trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh phát hiện, xử lý vi phạm khiến người dân “giật mình”.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau một tháng triển khai cao điểm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 3.900 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 3.100 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt hành chính 32 tỷ đồng, hàng hóa bị tịch thu trị giá gần 31 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 26 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 1.580 vụ, số vụ buôn lậu là 648 vụ. Đợt cao điểm ghi nhận nhiều vụ việc nổi cộm được phát hiện, xử lý kịp thời, trong đó các nhóm hàng đặc biệt như thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn cũng được giám sát, xử lý chặt chẽ, nghiêm túc.
Với Quảng Ninh, sau đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực phẩm bẩn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 153 vụ việc, với 173 hành vi vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,1 tỷ đồng, tang vật vi phạm ước tính trị giá hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó, đối với hàng hoá nhập lậu là thực phẩm đã phát hiện 29 vụ việc, với tổng khối lượng hơn 10 tấn thực phẩm các loại, như thịt lợn đông lạnh, trứng muối, bánh kẹo, rượu, sữa bột... Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc chiếm tới 60 vụ, với hàng chục tấn hải sản, thịt đông lạnh, trứng gà non, ngũ cốc, bánh kẹo... Lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện 41 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với trên 2.650 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Chanel, Dior, Louis Vuitton…
Cùng với lực lượng quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát giao thông Quảng Ninh cũng tích cực tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý hàng chục vụ liên quan đến vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, qua đó chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước tình hình hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh, thực phẩm gây hại cho sức khoẻ người dân còn có chiều hướng diễn biến phức tạp và hoạt động ngày càng tinh vi, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh giám sát thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý những vi phạm. Đặc biệt là triển khai các chuyên đề kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên môi trường thương mại điện tử, chợ mạng, các mạng xã hội. Cùng với đó, tuyên truyền đến người dân không tham gia, tiếp tay, chủ động tố giác các hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh; tổ chức ký cam kết với các đơn vị, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Có thể thấy, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, vi phạm an toàn thực phẩm, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội và mỗi người dân. Đây là “cuộc chiến” lâu dài cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Chỉ khi xử lý được tận gốc nguồn vi phạm và nâng cao nhận thức toàn xã hội, thị trường mới thực sự minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng.
Ý kiến ()