Tất cả chuyên mục

Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng (BCCM) Việt Nam - nền báo chí luôn gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH ở nước ta. Đến nay tròn 1 thế kỷ, BCCM Việt Nam nói chung, báo chí Quảng Ninh nói riêng, đã khẳng định vai trò và đóng góp to lớn trên chặng đường lịch sử của dân tộc.
Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, kể từ số báo Thanh Niên đầu tiên, BCCM Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, BCCM Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lớp lớp các thế hệ nhà báo không quản ngại khó khăn, gian khổ; kịp thời phản ánh sinh động công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các phong trào hành động cách mạng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi chính đáng của nhân dân.
Đồng hành cùng cách mạng, tờ báo Than của Vùng mỏ ra đời, làm nhiệm vụ phản ánh tình cảnh bị áp bức, bóc lột của thợ mỏ dưới ách thống trị của thực dân... Các nhà báo thời đó vừa làm báo, vừa giác ngộ quần chúng, kêu gọi công nhân mỏ và nhân dân lao động đoàn kết dưới lá cờ Đảng, đấu tranh để tiến tới giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc. Những người làm báo đã chiến đấu bằng sự can trường và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, đã viết nên lịch sử đấu tranh của Vùng mỏ Quảng Ninh không chỉ bằng ngòi bút, mà bằng cả nước mắt và sinh mệnh của mình.
97 năm kể từ ngày ra đời báo Than, 62 năm báo Quảng Ninh ra số đầu tiên (2/1/1964), 42 năm phát sóng Truyền hình Quảng Ninh, hơn 6 năm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí và thế hệ nhà báo tiếp bước truyền thống của cha anh, đã và đang phát huy vai trò xung kích, hăng hái thâm nhập thực tế, phản ánh trọn vẹn nhất về một Quảng Ninh luôn hừng hực khí thế cách mạng, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong xu thế phát triển mới của đất nước. Đã có nhiều bài viết của báo chí Quảng Ninh mang tính phát hiện, tổng kết thực tiễn, đúc rút lý luận, lan tỏa các mô hình đổi mới đột phá của tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đoạt giải cao báo chí quốc gia; nhiều tập thể, cá nhân nhà báo được nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước…
Ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí, đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, khẳng định: Trong chặng đường phát triển, báo chí Quảng Ninh đã đồng hành cùng Đảng, chính quyền tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, công tác tư tưởng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Báo chí Quảng Ninh là lực lượng xung kích trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền kết quả nổi bật kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; làm tốt công tác phản biện, phản ánh các vấn đề xã hội, để các cơ quan chính quyền của tỉnh giải quyết một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, với mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh, bằng sự đổi mới trong cách làm, sáng tạo trong thực hiện, Trung tâm có nhiều sản phẩm nổi bật trên các nền tảng, góp phần quan trọng vào công tác thông tin tuyên truyền của tỉnh.
Trong bối cảnh hiện nay, giữa "dòng chảy" sôi động của thời đại số, báo chí mang sứ mệnh mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn bộ nội dung, hình thức, chuyển mình từ báo chí truyền thông sang hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí tại Quảng Ninh tiên phong trong đổi mới, sáng tạo. Không chỉ khai thác triệt để tiềm năng của công nghệ số, đa dạng hóa các loại hình truyền thông (báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử, mạng xã hội, podcast, video...), mà còn phải chú trọng bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có tư duy sắc bén, nắm vững nghiệp vụ, làm chủ công nghệ hiện đại. Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu nước nồng nàn, góp phần phản ánh trung thực tin tức trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Sự chủ động, bản lĩnh và không ngừng đổi mới giúp báo chí Quảng Ninh thực sự trở thành "cầu nối" hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, kiến tạo một môi trường thông tin lành mạnh, minh bạch, phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()