Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thông tin trên tại hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024 ngày 27/12, thêm rằng đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm dưới mức sinh thay thế.
Cụ thể, năm 2024 mức sinh trên toàn quốc là 1,91 con/phụ nữ, trong khi năm 2023 tỷ lệ này là 1,96. Hai năm trước đó, mức sinh cao hơn song xu hướng giảm dần, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2,1 con/phụ nữ, theo Bộ Y tế, là mức sinh thay thế cần đạt được.
"Mức sinh năm 2024 hiện thấp nhất trong lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo", bà Liên Hương nói. Hồi đầu năm nay - năm Thìn tức năm Rồng, theo văn hóa phương Đông người sinh năm này sẽ gặp nhiều thuận lợi may mắn - dự báo tỷ lệ sinh sẽ tăng. Kết quả "thấp nhất lịch sử" này phản ánh quan niệm về sinh đẻ đã thay đổi so với truyền thống "năm đẹp đẻ nhiều". Kết quả này cũng cho thấy các chính sách khuyến sinh vẫn chưa kềm hãm được đà giảm sinh trên cả nước.
Trên thực tế trong hai thập kỷ qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao, dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Riêng năm 2024, mức sinh tại thành thị còn thấp hơn nữa và đạt 1,67 con/phụ nữ, còn khu vực nông thôn 2,08 con/phụ nữ.
Mức sinh vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, và cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn. Như vùng trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ sinh ước tính 2,34 con/phụ nữ; ở Tây Nguyên ước 2,24 con/phụ nữ. Đây là hai vùng có mức sinh cao. 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh tương đương mức sinh thay thế hoặc thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Như vậy, hình thái mức sinh theo vùng này hầu như không thay đổi trong nhiều năm qua, điểm khác là tỷ lệ sinh mỗi năm một giảm và càng giảm sâu.
Ý kiến ()