Tất cả chuyên mục

Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn và phức tạp, ở Hải Ninh đã nổi lên một tập thể chiến đấu kiên cường – khu Nà Thuộc, huyện Đình Lập.
Cuối tháng 3/1947, huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh, bị địch chiếm đóng ở những địa bàn quan trọng. Sau khi trung đoàn Tiên Yên rút đi, một số cán bộ, chiến sĩ người địa phương đã ở lại và tổ chức thành hai trung đội bộ đội địa phương để hợp lực với một trung đội du kích quyết tâm chống giặc. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng kháng chiến của huyện Đình Lập đã thành lập khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc gồm các xã: Bính Xá, Kiên Mộc và Bắc Xa. Các đồng chí Nông Văn Nguyên, Nông Minh Đạo, Hoàng Dã Thiếu được chính quyền ba xã Kiên Mộc, Bình Xá, Pắc Xa ủy nhiệm cho việc tổ chức và chỉ huy khu chiến đấu Nà Thuộc.
Ngày 14/4/1947, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn cùng bọn tay sai, tiến công khu căn cứ Nà Thuộc. Do được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tốt, thống nhất hành động, biểu thị bằng việc tổ chức hội thề, nên trong trận đầu, quân và dân địa phương đã chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh lui tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên đội Pháp.
Sau trận này, nhân dân nô nức góp công, góp của, góp người, góp vũ khí vào khu chiến đấu. Lực lượng của ta tăng lên gồm 78 bộ đội và 259 du kích.
Sau đó, liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/1947, quân Pháp điên cuồng huy động lực lượng mạnh cả máy bay và pháo binh yểm trợ mở 15 cuộc tiến công khu căn cứ Nà Thuộc. Tới hướng nào chúng cũng bị quân ta dựa vào cây rừng và thế núi tiến công lại. Phía trước, bộ đội và du kích đánh giặc, phía sau nhân dân già trẻ, gái trai lo tiếp tế. Đặc biệt, ở làng Pò Háng, các cụ già mặc áo thụng nguyện cầu để “rước Thành hoàng ra ủng hộ cho con cháu đánh giặc”. Tiếng trống, tiếng thanh la vang dậy bên những lá cờ thần được phất lên để động viên chiến sĩ. Trước sức tiến công của ta, hai tiểu đoàn địch phải rút chạy.
Tin vui thắng trận của quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc lan đi khắp các chiến trường Việt Bắc và cả nước. Đầu năm 1948, Bác Hồ cho mời lãnh đạo tỉnh Hải Ninh đến báo cáo. Khi biết chuyện cả Thành Hoàng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui và nói: “Vậy phải khen thưởng cả Thành Hoàng làng”.
Nói rồi, Bác đã ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương chiến công hạng Ba và cho may một bức trướng đặc biệt phong tặng đình Thành Hoàng Pò Háng. Đó là bức trướng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ màu vàng. Chính giữa là dòng đại tự: “Kháng chiến hộ ủng” (Ủng hộ kháng chiến), viết bằng chữ Hán, bên dưới có phiên âm chữ quốc ngữ. Bên phải là dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái là dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng).
Nhân dân ở đây đã treo bức trướng vào nơi thờ Thành hoàng và truyền tụng rằng Thành hoàng làng Pò Háng là “Thành hoàng kháng chiến” nên được sắc phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ý kiến ()