Sự bùng nổ của năng lượng hạt nhân
Nhu cầu toàn cầu đối với những giải pháp năng lượng sạch có thể mở rộng quy mô châm ngòi cho sự phát triển của năng lượng hạt nhân. Ước tính 65 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở 16 nước, với kế hoạch hoàn thành 12 lò vào năm 2025. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ hoàn thành 3 lò mỗi nước, Bangladesh và Nga tăng thêm 2 lò mỗi nước, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều có thêm 1 lò. Khoảng 90 lò phản ứng với tổng công suất khoảng 90 GWe đang được lên kế hoạch và hơn 300 lò khác đang ở giai đoạn đề xuất, chủ yếu ở các nước châu Á, nơi sự phát triển kinh tế và nhu cầu về điện gia tăng nhanh chóng.
Dù có nhiều lò mới sắp hoàn thành, số lượng lò đang vận hành tương đối ổn định bất chấp các lò cũ ngừng hoạt động. Trong hai thập kỷ qua, 107 lò phản ứng đã chấm dứt hoạt động trong khi 100 lò mới bắt đầu sản xuất. Hiện nay, có 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở 32 quốc gia trên khắp thế giới, với tổng công suất 390 GWe. Năm 2023, những lò phản ứng này đóng góp 2.602 TWh, chiếm khoảng 9% nguồn cung cấp điện toàn cầu.
Nhận ra tiềm năng của công nghệ hạt nhân tiên tiến trong việc đáp ứng những mục tiêu bền vững, nhiều "gã khổng lồ" công nghệ như Google đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Google cũng cộng tác với Kairos Power để tích hợp điện hạt nhân vào lưới điện, bổ trợ cho sự phụ thuộc của mạng lưới vào các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Tương lai của điện hạt nhân rất hứa hẹn với dự đoán mức tăng trưởng hàng năm gần 3% trong sản xuất điện hạt nhân toàn cầu từ giờ đến năm 2026 và nhiều kỷ lục mới sẽ xuất hiện trong năm 2025. Những thành tựu trong công nghệ hạt nhân sẽ tiếp tục tiến hóa như Lò phản ứng module nhỏ (SMR) cung cấp giải pháp linh hoạt và hiệu quả. Lộ trình này không chỉ đưa con người tới tương lai xanh hơn mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế và việc làm ở địa phương.
Kỷ nguyên lượng tử
Máy tính lượng tử, khái niệm thu hút các nhà vật lý trong hơn 4 thập kỷ, đang nhanh chóng hiện thực hóa những ứng dụng thực tế. Công nghệ bắt nguồn từ vật lý lượng tử này cung cấp khả năng xử lý vượt xa máy tính truyền thống. Nó sẽ trợ giúp nghiên cứu khoa học thông qua cho phép lập mô hình hiện tượng phức tạp mà máy tính cổ điển không thể xử lý hiệu quả.
Những tiến bộ gần đây đã tiến gần tới "tính hữu ích lượng tử" hơn bao giờ hết. Ví dụ, bộ xử lý lượng tử mới nhất của Google tên Willow chứng minh tiềm năng bằng cách xử lý một vấn đề toán học chỉ trong 5 phút, điều mà phần lớn siêu máy tính mạnh không thể giải quyết trong niên đại của vũ trụ. Thành tựu này nêu bật khả năng độc đáo của máy tính lượng tử trong quản lý công việc với hàng loạt biến số đầu vào, khiến chúng đặc biệt phù hợp để mô phỏng hệ thống phức tạp, từ tương tác phân tử trong phát triển thuốc tới dự đoán kinh tế rắc rối.
Lĩnh vực máy tính lượng tử thương mại có sự đóng góp lớn từ nhiều nhà tiên phong như công ty D-Wave Quantum Inc ở Canada, công ty đầu tiên bán máy tính lượng tử vào năm 2011. Nhiều hãng công nghệ lớn như IBM, Google, Amazon Web Services cũng như công ty khởi nghiệp Universal Quantum và PsiQuantum Corp đang tích cực phát triển công nghệ. Nhiều công ty bao gồm Microsoft và Intel đang tiến đến xây dựng siêu máy tính lượng tử có thể tăng quy mô.
Dù cực mạnh, máy tính lượng tử sẽ không thay thế máy tính thông thường trong công việc hàng ngày liên quan tới xử lý tuần tự bộ dữ liệu đơn giản. Thay vào đó, chúng đang được phát triển để xử lý nhiệm vụ giải quyết vấn đề độ phức tạp cao. Năm 2025, lĩnh vực máy tính lượng tử sẽ đạt nhiều cột mốc chủ chốt như tăng số qubit và thời gian kết hợp, thành tựu trong thuật toán lượng tử, tích hợp với siêu máy tính cổ điển, cải thiện khả năng sửa lỗi lượng tử, ứng dụng mã hóa an toàn lượng tử.
Kết nối trí não với máy móc
Bước sang năm 2025, giao diện não - máy tính sẽ trải qua nhiều phát triển lớn, đặc biệt ở Trung Quốc. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này vạch ra kế hoạch tham vọng nhằm tiên phong về thiết bị BCI phục vụ một loạt ứng dụng từ phục hồi chức năng tới tăng cường thực tế ảo.
Một sản phẩm nổi bật là NEO, hệ thống BCI không dây hạn chế xâm lấn trang bị 8 điện cực. Thiết bị đặt phía trên vỏ não vận động, được chế tạo đặc biệt để khôi phục cử động tay ở người bị liệt. Những thử nghiệm lâm sàng với NEO, bắt đầu vào năm 2023, cho kết quả hứa hẹn. Sau 9 tháng sử dụng tại nhà, một tình nguyện viên bị thương ở cột sống lấy lại khả năng hoạt động hàng ngày như ăn uống độc lập. Các nhà chức trách đang lên kế hoạch thử nghiệm thiết bị cấy ghép trên ở quy mô rộng hơn năm 2025.
Trong thế giới BCI cấy ghép, Paradromics trở thành một công ty nổi bật. Họ tạo ra sự khác biệt bằng cách ghi chép từ mỗi neuron và sử dụng vật liệu bền để tăng cường tuổi thọ và độ an toàn của thiết bị cấy ghép. Công ty đang chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng vào năm 2025. Trong khi đó, công ty Synchron ở New York, đạt nhiều bước tiến tại Mỹ khi tích hợp công nghệ AI tái tạo vào hệ thống BCI can thiên nội mạch. Sự phát triển này hướng tới tăng cường khả năng giao tiếp với những cá nhân bị khiếm khuyết về vận động, cho phép họ tương tác nhiều hơn. Giới chuyên gia cũng dự đoán về nhiều thành tựu công nghệ mới trong BCI không xâm lấn, sử dụng điện não đồ (EEG) và quang phổ cận hồng ngoại (fNIRS).
Những nhiệm vụ vũ trụ lớn
Ý kiến ()