Tất cả chuyên mục

Bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới không chỉ là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà còn là vấn nạn của toàn xã hội. Lên án và cùng cộng đồng chung tay phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới chính là thúc đẩy một xã hội bình đẳng, văn minh, tiến bộ, hạnh phúc.
Để phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp quyết liệt, huy động sự chung tay của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong truyền thông, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trên một số lĩnh vực, cũng như phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Điển hình là tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS, xây dựng nhiều chương trình truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình... Nhiều mô hình, CLB thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được các địa phương triển khai đem lại hiệu quả như các CLB: “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”…
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đang triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là dự án nằm trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh giai đoạn I (2021-2025). Với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, các nội dung của dự án đã đi nhanh vào đời sống, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Một trong những mô hình hiệu quả của Dự án 8 đó là tổ truyền thông tại cộng đồng. Hiện đã có 71 tổ truyền thông được thành lập tại các thôn, bản vùng DTTS được triển khai trong tỉnh. Thành viên các tổ truyền thông cộng đồng gồm cán bộ thôn, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và những người có uy tín trong cộng đồng.
Thực hiện Dự án 8, huyện Bình Liêu đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình với nhiều cách làm phù hợp để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ DTTS, trẻ em gái. Các tổ truyền thông cộng đồng được hội phụ nữ phối hợp ra mắt tại 11 thôn của 4 xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu. Thành viên của tổ truyền thông cộng đồng có cán bộ của thôn, bản, chi, tổ hội đoàn thể cơ sở. Các thành viên liên tục bám sát địa bàn, góp tiếng nói để dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Từ đó dần xóa đi những quan niệm cổ hủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Dương Tài Múi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng khu Khe Lạc (thị trấn Bình Liêu), cho biết: Tham gia Tổ truyền thông cộng đồng, chúng tôi tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, lao động, phát triển kinh tế..., nhằm dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, hình thành nên những gia đình không còn bạo lực.
Để công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đi vào chiều sâu, các cấp, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền đa dạng, như: Truyền thông trực tiếp qua hội nghị, hội thảo; chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội; sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học, cơ quan, đơn vị...
Điển hình như huyện Ba Chẽ trong tháng 5 đã tổ chức Hội thi sân khấu hóa về “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình”. Đây là một trong những nội dung, hoạt động thiết thực trong triển khai Dự án 8 được triển khai ở các xã Lương Minh, Nam Sơn, Đồn Đạc, Thanh Lâm, Đạp Thanh và Thanh Sơn.
Chị Lan Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ cho biết: Hội thi không những nâng cao hiểu biết cho chị em về bạo lực gia đình mà còn để mọi người có thể tự biết đứng lên bảo vệ bản thân, không cam chịu khi bị bạo lực như trước đây. Đây cũng là cách thức để tuyên truyền hiệu quả cho những người chồng, người cha trong gia đình cũng dần thay đổi về định kiến giới, thay đổi quan niệm bếp núc, nuôi con là của người vợ. Nhiều cặp vợ chồng đã hạn chế sự xích mích trong nhà, cùng nuôi dạy con cái. Từ đó, có thể nhận thấy được đó là qua các hình thức tuyên truyền các hộ gia đình đã thay đổi rất nhiều, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt.
Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức 200 cuộc truyền thông và 30 lớp tập huấn, thu hút gần 10.000 lượt người tham gia. Các tổ truyền thông không chỉ lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, mà còn góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS.
Nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, Dự án 8 đã triển khai mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đến nay, 65/100 địa chỉ tin cậy đã được củng cố và nâng cao chất lượng. Các địa chỉ này được đặt tại trạm y tế, nhà trưởng thôn/khu, chi hội trưởng phụ nữ, giúp hỗ trợ kịp thời những trường hợp bị bạo lực gia đình, tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Ý kiến ()