Tất cả chuyên mục

Quân đội Mali ngày 1/7 thông báo lực lượng vũ trang nước này đã tiêu diệt hàng chục phần tử phiến quân trong cuộc giao tranh đầy lùi các tay súng vũ trang tấn công phối hợp nhằm vào nhiều vị trí quân sự ở miền Tây và miền Trung nước này, trong đó có thị trấn Diboli giáp giới với Senegal.
Các tay súng bị tiêu diệt thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo JNIM có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Nhóm này cũng đã lên tiếng thừa nhận hành động của mình.
Theo người phát ngôn của quân đội Mali, Đại tá Souleymane Dembélé, lực lượng vũ trang đã tiêu diệt tổng cộng 80 phần tử tấn công. Tuy nhiên, ông không công bố thông tin về thương vong của binh sĩ
Thị trấn Diboli nằm sát biên giới với Senegal, lâu nay vẫn được xem là một khu vực ổn định và là điểm trung chuyển thương mại quan trọng từ cảng Dakar của Senegal vào nội địa Mali. Việc khu vực này bị tấn công là diễn biến đáng lo ngại. Ông Ulf Laessing - Giám đốc Chương trình Sahel thuộc Quỹ Konrad Adenauer - cho rằng việc bạo lực lan tới khu vực biên giới với Senegal sẽ khiến các cộng đồng hai bên lo ngại.
Mali từ lâu đã đối mặt với làn sóng bạo lực leo thang do các nhóm vũ trang cực đoan tiến hành và tình hình ngày càng tồi tệ, nhất là sau khi quân đội Pháp được yêu cầu rút khỏi khu vực Sahel. Sau gần một thập kỷ tiến hành chiến dịch chống khủng bố Barkhane, Pháp bắt đầu rút quân khỏi Mali năm 2022, rút khỏi Burkina Faso và Niger năm 2023.
Trong thông báo mới nhất, Đại sứ quán Pháp tại Dakar của Senegal ngày 2/7 cho biết nước này vừa bàn giao thêm một cơ sở quân sự cho phía Senegal và sẽ hoàn tất việc rút binh sĩ khỏi quốc gia Tây Phi này vào cuối tháng 7. Trước đó, Pháp cũng đã chuyển giao cho Senegal trạm phát sóng chung ở Rufisque, gần thủ đô Dakar. Đây là cơ sở đảm nhiệm liên lạc ở vùng duyên hải phía Nam Đại Tây Dương từ năm 1960. Dự kiến, các cơ sở quân sự còn lại cũng sẽ được bàn giao trong tháng này.
Việc rút quân khỏi Senegal nằm trong lộ trình cắt giảm hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi./.
Ý kiến ()