Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 36,6 tỷ USD vốn đăng ký tính đến 20/12, số đăng ký mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng 62,2%. Số dự án mới cũng đạt 3.188, tăng 56,6%.
Ngoài vốn đăng ký mới, năm nay cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn - tăng 14%, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD giảm hơn 22%. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7%. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần giảm so với cùng kỳ, vốn góp lại tăng cao.
Bên cạnh đó, vốn giải ngân tính đến 20/12 đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Việc vốn giải ngân tăng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã cho thấy một số điểm nghẽn, rào cản với đầu tư, kinh doanh đã được tháo gỡ hiệu quả, từ đó giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất, tái đầu tư. Vốn đăng ký mới tăng mạnh cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Hiện vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư thuận lợi như TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Ý kiến ()