Tất cả chuyên mục

Xử lý dầu ăn thừa là việc tưởng chừng đơn giản. Nhưng nếu không được xử lý đúng cách, dầu ăn thừa có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Ở quy mô công nghiệp, nhà hàng có thể gửi hàng tỉ lít dầu thải mỗi năm đi tái chế thành nhiên liệu sinh học. Nhưng câu chuyện hoàn toàn khác với dầu thải tại các hộ gia đình.
Việc đổ dầu ăn thừa trực tiếp xuống cống hoặc bồn rửa bát có thể dẫn đến tắc nghẽn đường ống và ô nhiễm nguồn nước, theo National Geographic.
Khi dầu ăn nguội đi, chúng có xu hướng đông đặc và bám dính vào thành ống, tạo thành các mảng bám dày đặc như một "núi dầu mỡ".
Theo thời gian, các mảng này tích tụ và có thể chặn hoàn toàn dòng chảy, gây ra hiện tượng nước chảy ngược trở lại nhà bếp hoặc các khu vực khác, dẫn đến mất vệ sinh và phiền toái trong sinh hoạt.
Khi chảy vào hệ thống nước thải, dầu ăn tạo thành một lớp màng trên mặt nước, cản trở quá trình phân hủy sinh học và làm giảm lượng oxy trong nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Ngoài ra, việc thấm hút dầu mỡ thừa bằng giấy và vứt vào thùng rác cũng không phải là giải pháp an toàn. Nếu rác không được xử lý đúng cách mà bị chôn lấp trực tiếp, lượng dầu mỡ này sẽ ngấm xuống đất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất, nguồn nước ngầm và hệ sinh thái vi sinh vật tại khu vực đó.
Một số người đổ dầu thừa vào túi nilon, đây cũng không phải cách xử lý an toàn. Cả dầu mỡ và túi nilon đều là vật liệu khó phân hủy. Khi bị chôn lấp, chúng kết hợp với nhau gây hại nghiêm trọng đến đất, nguồn nước ngầm và hệ sinh thái. Ở các bãi rác lớn, dầu mỡ dễ bắt lửa, dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan nếu gặp nguồn nhiệt.
Một số gia đình đổ dầu thừa xuống đất bón cây. Nhưng đây là sai lầm. lớp dầu này sẽ tạo màng bít kín bề mặt đất, ngăn cản không khí và nước thấm xuống rễ. Rễ cây cần oxy để hô hấp, nếu thiếu oxy, cây dễ bị úng, thối rễ và chết dần.
Để xử lý dầu ăn thừa một cách an toàn và thân thiện với môi trường, hãy thu gom dầu ăn thừa vào chai lọ sạch.
Khi dầu nguội, hãy đổ vào chai lọ sạch và đậy kín nắp. Sau đó, tìm đến các cơ sở có quy trình tái chế rõ ràng và an toàn để giao nộp dầu thải.
Việc này giúp dầu đã qua sử dụng được xử lý hiệu quả, thậm chí tái chế thành nhiên liệu hoặc sản phẩm công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Tránh gửi hoặc bán dầu ăn thừa cho các đơn vị thu gom không rõ nguồn gốc. Bởi, các cơ sở này có thể tái chế trái phép, biến dầu thải quay trở lại chuỗi thực phẩm và gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại “chất làm đông dầu” với tên gọi khác nhau. Những sản phẩm này thường được làm từ thành phần thân thiện với môi trường, có khả năng làm đông dầu nóng.
Khi nhiệt độ hạ xuống khoảng 38°C, hỗn hợp đặc lại, có thể thành đĩa mềm hoặc dạng sệt dễ cạo sạch ra khỏi nồi, chảo.
Khi dầu đã đặc lại, bạn có thể bỏ trực tiếp vào thùng rác, thùng phân hủy hữu cơ hoặc thậm chí là thùng ủ compost (với lượng hợp lý).
Bên cạnh đó, dầu đông lại có thể dùng lại trong nhà - như bôi trơn bản lề cửa hoặc làm nến.
Ý kiến ()