Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca mắc là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020, số mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là hơn 26.400 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư. Số tử vong do ung thư gan dẫn đầu với 25.200 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020.
Ung thư gan gồm hai thể là nguyên phát và thứ phát. Thể thứ phát do các tế bào ung thư ở bộ phận khác di căn vào gan gây ra các khối u. Trong khi thể nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên đột biến về hình thái và chức năng.
Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
Ngày 18/10, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết 7 nhóm người có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan:
Người mắc bệnh về gan và người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan
Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ... hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát. Nếu không may mắc viêm gan B, C thể hoạt động, điều trị sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan. Virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.
Các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ..., cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau.
Người béo phì, tiểu đường
Vài năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường, béo phì kèm theo ung thư gan trên thế giới tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hóa các tế bào gan, gây xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Người uống nhiều đồ uống có cồn
Rượu, bia có khả năng thúc đẩy gene sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Acetaldehye sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu cũng làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào, từ đó khối ung thư sẽ hình thành.
Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương các tế bào gan. Uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên các mô sẹo, xơ, từ đó hình thành các bè gan xơ và ung thư gan.
Ý kiến ()