Tất cả chuyên mục

Gia tăng số lượng trận đấu cùng sự hiện diện của giải trẻ được trải dài trong năm là mục tiêu mà bóng đá Việt Nam hướng tới theo Đề án phát triển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Yếu tố cốt lõi được quan tâm
Theo Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, mục tiêu của các đội tuyển Việt Nam được hoạch định rõ từ cấp độ khu vực, châu lục cho đến tầm thế giới. Trong 20 năm tới, Đội tuyển Việt Nam quyết tâm hướng tới vòng chung kết FIFA World Cup, cụ thể là vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2030 và dự World Cup 2034.
Để hiện thực hóa mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam, đề án phát triển đưa ra nhiều nhiệm vụ có tính hệ thống, trong đó, việc cải tiến hệ thống thi đấu bóng đá trẻ bao gồm các lứa tuổi được đưa ra.
Theo Đề án, các cầu thủ trẻ cần được thi đấu tối thiểu 20-30 trận/năm. Do đó, nhiệm vụ này yêu cầu phải tăng số lượng trận đấu chính thức hằng năm cho các cầu thủ trẻ từ nhiều lứa tuổi. Giải pháp được chỉ ra là tổ chức thêm các giải bóng đá, cúp bóng đá cho lứa tuổi kế cận U17-U19 của các câu lạc bộ chuyên nghiệp (8-12 đội). Bên cạnh đó, thể thức tổ chức giải trẻ theo thể thức lượt đi và về ở khu vực sẽ được tiến hành trải dài trong năm, thay vì chỉ gói gọn trong 2 giai đoạn gồm vòng loại và vòng chung kết như hiện tại.
Đây có thể xem là thay đổi mang tính bước ngoặt cho bóng đá trẻ Việt Nam. Bởi xuyên suốt nhiều năm qua, trung bình mỗi năm, một cầu thủ phổ thông từ U15 đến U21 chỉ có thể thi đấu dưới 20 trận. Việc thiếu cơ hội ra sân thi đấu ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của các cầu thủ.
Khuyến khích đào tạo trẻ ở cấp câu lạc bộ
Ngoài “kim chỉ nam” về việc tăng số trận đấu cho các cầu thủ trẻ ở cấp độ giải quốc gia, Đề án phát triển bóng đá Việt Nam cũng hướng đến khuyến khích Liên đoàn bóng đá Việt Nam phối hợp cùng các câu lạc bộ đẩy mạnh tuyển chọn, phát triển lực lượng trẻ liên tục, bài bản với chất lượng nâng tầm theo thời gian.
Theo đó, VFF cần xây dựng chương trình huấn luyện khung cho các đội tuyển trẻ theo định hướng về hệ thống chiến thuật, phong cách, lối đá của đội tuyển quốc gia, dưới sự giám sát của Giám đốc kỹ thuật bóng đá quốc gia; quy hoạch và sử dụng đội ngũ huấn luyện viên được đào tạo chuyên môn sâu, đồng thời hỗ trợ các địa phương, câu lạc bộ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác đào tạo, huấn luyện (sân bãi, hồi phục chấn thương, mời chuyên gia sang giảng dạy, tổ chức các hội thảo quốc tế).
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp với địa phương tham gia hoàn thiện hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ một cách đồng bộ theo các giai đoạn đào tạo trẻ từ thấp lên cao (đào tạo ban đầu, chuyên môn hóa sâu và hoàn thiện thể thao).
Tương ứng theo đó là các tuyến đào tạo: Tuyến năng khiếu nghiệp dư (độ tuổi từ 7-11) tại các trường năng khiếu bóng đá nghiệp dư của các tỉnh, thành phố; tuyến các trường năng khiếu bóng đá tập trung (độ tuổi 12-15) tại các trung tâm bóng đá lớn và các địa phương có phong trào bóng đá phát triển; tuyến đào tạo trẻ (độ tuổi 16-18) tại các trung tâm, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp; tuyến các đội tuyển trẻ quốc gia (U15, U17, U20) tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia và các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, học viện bóng đá và trung tâm đào tạo bóng đá địa phương cần áp dụng các chính sách khuyến khích đào tạo cầu thủ trẻ. Các trung tâm quốc gia chỉ tập trung huấn luyện các đội tuyển trẻ theo kế hoạch trước khi tham dự các giải quốc tế, đặc biệt là tập trung cho công tác huấn luyện các đội tuyển trẻ chuẩn bị tham dự Olympic.
Một điểm đáng chú ý trong Đề án là hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp cần hướng tới áp dụng quy định bắt buộc về tỉ lệ cầu thủ trẻ được phép ra sân thi đấu, qua đó khuyến khích công tác đào tạo bóng đá trẻ tại các câu lạc bộ.
Ý kiến ()