Tất cả chuyên mục

Miền Bắc đang ở những ngày mưa nồm khó chịu, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Bùng phát bệnh mùa nồm
Theo TS.BS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho virus gây bệnh hô hấp, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella sinh sôi. Đặc biệt, trong giai đoạn giao mùa như hiện nay, nếu không điều trị kịp thời, virus có thể tấn công phổi, gây suy hô hấp nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nấm mốc và vi khuẩn phát triển mạnh trong không khí ẩm, bám vào quần áo, chăn màn, sách vở… gây dị ứng, nhiễm trùng. Những đối tượng có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh trong thời điểm này.
Thực tế tại khoa Bệnh lây đường hô hấp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận nhiều ca cúm A nặng, chủ yếu ở người cao tuổi có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có xu hướng bùng phát khi trời nồm, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị đúng cách.
Những bệnh phổ biến trong thời tiết ẩm
Không chỉ bệnh về đường hô hấp, nhiều bệnh khác cũng có xu hướng gia tăng trong điều kiện không khí có độ ẩm cao, bao gồm: Bệnh hô hấp: Viêm phổi, hen suyễn, viêm mũi dị ứng; Bệnh ngoài da: Viêm da, dị ứng, nấm da; Bệnh về mắt và tiêu hóa: Đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp do thực phẩm bị nhiễm khuẩn khi bảo quản trong môi trường ẩm thấp.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia khuyến cáo cần duy trì môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Sử dụng điều hòa, máy hút ẩm, lau khô sàn nhà thường xuyên, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60%; Hạn chế mở cửa để ngăn hơi ẩm xâm nhập vào nhà; Giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa thường xuyên, làm khô quần áo hoàn toàn trước khi mặc để tránh vi khuẩn, nấm mốc. Người có bệnh lý mạn tính cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Bao giờ nồm ẩm kết thúc?
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nồm ẩm xảy ra khi không khí ấm áp tràn vào miền Bắc, gặp nền nhiệt thấp của sàn nhà, tường, đồ vật, khiến hơi nước ngưng tụ.
Tại miền Bắc, hiện tượng này thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 4. Trong tuần này, miền Bắc dự kiến đón hai đợt không khí lạnh vào ngày 18-19.2 và 21-22.2, trong đó đợt sau có cường độ mạnh hơn, có thể giúp giảm bớt tình trạng nồm ẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội. Trong giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm không khí thường trên 85%, kèm theo mưa phùn, sương mù khiến nhà cửa, công trình dân dụng và các vật dụng thiết yếu bị ẩm ướt. Các đợt nồm ẩm thường kéo dài 3-5 ngày, thậm chí cả tuần, và chỉ chấm dứt khi có gió mùa Đông Bắc tràn về.
Ý kiến ()