Hai tuần qua, khu vực phía Nam ghi nhận 5 ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa, chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng về khả năng lây lan và mức độ nguy hiểm của bệnh.
Ngày 6/10, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho rằng người dân không nên lo lắng quá mức, bởi bệnh chỉ dễ lây trên một số nhóm nguy cơ như đồng tính nam, song giới, người có nhiều bạn tình, không bảo vệ bằng bao cao su...
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia từ năm ngoái đến nay, bệnh có hai đặc điểm quan trọng.
Đầu tiên, hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình, lây qua đường quan hệ tình dục.
Thứ hai, bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục như dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ, âm đạo, hậu môn... do liên quan đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ.
"Qua hai đặc điểm trên, có thể thấy rằng bệnh không dễ lây lan ra cộng đồng. Đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh", bác sĩ Hoa phân tích.
Tuy nhiên, khác với HIV, bệnh sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường...). Các triệu chứng bệnh nặng gồm: Tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.
Ý kiến ()