Rối loạn lo âu là trạng thái thường xuyên bất an, lo lắng. Rối loạn lo âu gồm rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn hoảng sợ và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Một số mẹo tự nhiên dưới đây hỗ trợ giảm lo âu, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tập thể dục mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tinh thần. Khi lo âu, stress, cơ thể có xu hướng căng cứng, song luyện tập có thể giảm tình trạng này. Kỹ thuật hít thở trong các bài tập thiền, yoga, đi bộ, bơi lội giúp cơ thể đạt trạng thái thư giãn sâu. Mỗi người nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, với cường độ vừa phải. Khi tập luyện thường xuyên, các triệu chứng lo âu có thể giảm dần theo thời gian.
Liệu pháp mùi hương bằng tinh dầu là cách tự nhiên để thư giãn tâm trí, tạo cảm giác thoải mái khi thở. Hít mùi tinh dầu oải hương góp phần cải thiện các triệu chứng lo âu, nhất là trong các tình huống căng thẳng như trước khi phẫu thuật hoặc điều trị hóa trị. Bạn có thể dùng đèn xông hoặc cho tinh dầu vào máy tạo độ ẩm để mùi hương phân tán khắp phòng ngủ, đồng thời tăng cường độ ẩm cho đường thở, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái.
Bổ sung axit béo omega-3 có trong hải sản, động vật có vỏ, cá béo, dầu cá. Omega-3 có tác dụng cải thiện các triệu chứng lo âu, tăng cường chức năng não quan trọng, ghi nhớ tốt hơn.
Vitamin nhóm B có tác dụng chuyển hóa tryptophan thành serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn, từ đó góp phần giảm triệu chứng lo âu. Người có mức vitamin B12 thấp thường dễ bị lo lắng hơn người bình thường. Vitamin B6 còn có thể giảm lo âu, nhất là các triệu chứng liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Ý kiến ()