Sự lộn xộn không chỉ đơn thuần là vấn đề vật chất. Mark Hurst, người đứng đầu nhóm nghiên cứu năm 2016 của Đại học Cornell, giải thích: "Khi bạn có những việc cần làm mà cứ vài phút lại nghe thấy tiếng thông báo từ điện thoại, bộ não của bạn sẽ không có cơ hội tiếp cận hoàn toàn dòng chảy sáng tạo hoặc xử lý trải nghiệm".
Sự lộn xộn có thể liên quan đến vô vàn thông báo trên mạng xã hội, các nguồn tin tức, trò chơi và tệp trên máy tính, tất cả đều cạnh tranh để giành được sự chú ý của bạn, tạo ra một dạng lộn xộn kỹ thuật số có tác động tương tự đến não bộ, giống như sự lộn xộn vật lý.
Trên thực tế, bộ não yêu thích trật tự. "Sự trật tự mang lại cảm giác dễ chịu, một phần là do bộ não của chúng ta dễ xử lý hơn và không phải làm việc quá sức", nhà trị liệu tâm lý Cindy Glovinsky (Mỹ) cho biết.
Trong khi đó, sự bừa bộn kích hoạt giải phóng hormone gây căng thẳng cortisol, dẫn đến những thói quen không lành mạnh.
Sự lộn xộn kinh niên có thể tạo ra căng thẳng kéo dài. Cũng theo nghiên cứu của Đại học Cornell năm 2016, căng thẳng do sự bừa bộn gây ra cũng có thể kích hoạt các chiến lược đối phó và tránh né, như ăn vặt, ngủ quên hoặc xem phim "quên ngày tháng". Điều này cũng dẫn đến mức độ trầm cảm và lo lắng cao hơn trong khi khả năng suy nghĩ rõ ràng, đưa ra quyết định và tập trung thấp hơn.
Trong trường hợp sống ngăn nắp, bạn không bị căng thẳng, do đó có thể tận hưởng sức khỏe tâm lý và thể chất tối ưu.
Nếu căng thẳng không được giảm bớt, não làm việc quá sức, sức khỏe tổng thể có thể bị ảnh hưởng xấu, bao gồm tổn thương nội tạng, ức chế hệ thống miễn dịch, nội tiết và sinh sản, sự trao đổi chất giảm sút và chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn.
Nghiên cứu năm 2009 do tổ chức UCLA thực hiện đã chỉ ra những phụ nữ đánh giá ngôi nhà của họ là bừa bộn có xu hướng có mức cortisol không lành mạnh.
Trong nghiên cứu này, một nhóm gồm các nhà nhân chủng học và các nhà khoa học xã hội chuyên nghiệp đã thu thập thông tin cuộc sống gia đình các gia đình trung lưu, có thu nhập kép với hai, ba con từ 7-12 tuổi ở Los Angeles. Các thành viên trong gia đình đã mô tả về mức độ bừa bộn không gian trong nhà của họ, trong đó các mẫu nước bọt được lấy đều đặn để đo mức cortisol.
Kết quả cho thấy, mức độ căng thẳng mà phụ nữ gặp phải ở nhà tỷ lệ thuận với lượng đồ đạc mà họ và gia đình đã tích lũy. Điều thú vị là nam giới không có kết quả tương tự, tức mức cortisol dao động bình thường, cho thấy họ không bị căng thẳng bởi số lượng đồ đạc trong nhà. Điều này có thể được giải thích rằng theo truyền thống, nhà là lãnh địa của phụ nữ.
Ý kiến ()